Chào mừng đến với Cổng thông tin điện tử ngành Giáo dục & Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Công văn số: 1785/SGDDT-GDMNTH, ngày 14 tháng 09 năm 2020 V/v hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2020-2021

Kính gửi:

                        - Phòng Giáo dục và Đào tạo  huyện/thị xã/thành phố;

                        - Các Trường Nuôi dạy trẻ Khuyết tật trên địa bàn tỉnh.

Căn cứ Quyết định số 2571/QĐ-UBND ngày 28/8/2020 của UBND tỉnh Ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên;

Căn cứ Chỉ thị số 666/CT-BGDĐT ngày 24/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020 - 2021 của ngành Giáo dục;

Căn cứ công văn số 3415/BGDĐT-GDTH ngày 04/9/2020 về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2020-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ báo cáo số 142/BC-SGDĐT ngày 06/8/2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo về Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2019-2020;

Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các Phòng GDĐT thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2020-2021, cụ thể như sau:

A.   MỤC TIÊU CHUNG

1. Năm học 2020-2021 là năm học toàn ngành giáo dục thực hiện nhiệm vụ kép với mục tiêu: vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp; các Phòng GDĐT căn cứ các hướng dẫn của Sở GDĐT  chỉ đạo các trường tiểu học trên địa bàn quản lý xây dựng kế hoạch dạy học bảo đảm hoàn thành Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh xảy ra ở tỉnh; tăng cường các hình thức dạy học trực tuyến, dạy học qua internet trên truyền hình theo hướng dẫn của Sở GDĐT và chuẩn bị mọi điều kiện phòng chống dịch bệnh.

2.Triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1 từ năm học 2020-2021 đảm bảo chất lượng, hiệu quả; tích cực chuẩn bị các điều kiện đảm bảo triển khai thực hiện chương trình đối với lớp 2 từ năm học 2021-2022. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học ban hành theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006 (Chương trình giáo dục phổ thông 2006) từ lớp 2 đến lớp 5.

3. Tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông đối với cấp tiểu học. Phòng GDĐT thực hiện rà soát trường, lớp, quy mô phát triển giáo dục; tham mưu lãnh đạo địa phương bố trí quỹ đất để xây dựng trường, điểm trường, lớp học phù hợp, thuận lợi và đáp ứng nhu cầu người học; quản lý, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có; có lộ trình khắc phục tình trạng trường lớp có quy mô lớp học và sĩ số học sinh vượt quá quy định, đặc biệt là ở  trung tâm thành phố, các khu công nghiệp để đáp ứng mục tiêu giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

4. Đảm bảo đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đủ về số lượng, chuẩn hóa về trình độ đào tạo, đồng bộ về cơ cấu, nâng cao chất lượng theo chuẩn nghề nghiệp; thực hiện bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình; bồi dưỡng nâng cao năng lực triển khai các nhiệm vụ cho giáo viên đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên tiểu học; tổ chức bồi dưỡng cho 100% giáo viên dạy học lớp 2 về các nội dung bồi dưỡng theo quy định của Bộ GDĐT và hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa lớp 2 cho năm học 2021-2022.

5. Chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng cường quyền tự chủ của nhà trường trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục đi đôi với việc nâng cao năng lực quản trị nhà trường, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục. Tăng cường nền nếp, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục tiểu học. Chú trọng kết hợp dạy chữ với dạy người, giáo dục ý thức, trách nhiệm của công dân đối với gia đình - nhà trường - xã hội cho học sinh tiểu học. Thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành phù hợp điều kiện từng địa phương.

6. Thực hiện dạy tăng thêm 2 tiết tiếng Anh/tuần theo Nghị quyết 123/2019/NQ-HĐND ngày 13/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh phấn đấu 100% học sinh lớp 3,4,5 được học Tin học.         

B. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

I. Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học

1. Chỉ đạo thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục

Năm học 2020 – 2021 là năm học đầu tiên giáo dục tiểu học thực hiện song song hai chương trình giáo dục phổ thông: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1 và Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đối với lớp 2,3,4,5

1.1.Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1

Phòng GDĐT chỉ đạo nhà trường  ưu tiên bố trí, tạo thuận lợi cho học sinh lớp 1 mỗi lớp/phòng, đảm bảo đủ đội ngũ giáo viên dạy lớp 1 để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Các trường tiểu học tổ chức xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường và tổ chức dạy học lớp 1 theo hướng dẫn tại công văn số 21/SGDĐT-GDMNTH ngày 03/01/2020, công văn số 3866/BGDĐT-GDTH ngày 26/8/2019. Trong đó, tập trung vào các vấn đề cơ bản sau:

          - Nội dung dạy học: Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc theo quy định của Chương trình như: Tiêng Việt, Toán, TNXH, Đạo đức, GDTC, Âm nhạc, Mĩ thuật và Hoạt động trải nghiệm. Các môn học tự chọn: tiếng Anh 1. Các hoạt động củng cố: hoàn thành các nội dung dạy học/học tập theo mục tiêu, yêu cầu của CTGD 2018 và phát triển phẩm chất, năng lực. Các hoạt động khác: tổ chức các hoạt động giáo dục đáp ứng nhu cầu, sở thích, năng khiếu của học sinh (do nhà trường lựa chọn).

          - Tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết, mỗi tiết 35 phút; tối thiểu 9 buổi/tuần với 32 tiết/tuần. Kế hoạch giáo dục của nhà trường được xây dựng theo hướng mở, linh hoạt. Nhà trường chủ động xác định nội dung, hình thức tổ chức, phân bổ thời lượng cho các nội dung dạy học (kể cả môn tự chọn) trên cơ sở thực hiện đầy đủ nội dung, thời lượng các môn học bắt buộc theo quy định của chương trình. Thời khóa biểu được sắp xếp một cách khoa học, đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa các nội dung dạy học và hoạt động giáo dục; phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học, tuần học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh.

- Phòng GDĐT chỉ đạo nhà trường, mỗi giáo viên lên lớp dạy phải soạn kế hoạch dạy học môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, nội dung của chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.

- Trong quá trình dạy học, chỉ đạo nhà trường/giáo viên lưu ý ghi lại những nội dung bất cập, không hợp lý trong sách giáo khoa,…. góp ý để cập nhật, điều chỉnh từng bước để có bộ sách giáo khoa phù hợp với học sinh lớp 1. (nếu được chọn tiếp tục)

- Phòng GDĐT bổ sung trang thiết bị dạy học theo Thông tư số 05/2019/TT-BGDĐT ngày 05 tháng 4 năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1; Sở GDĐT trang bị thiết bị theo công văn số 1390/SGDĐT-GDMNTH ngày 22/7/2020 về rà soát danh mục thiết bị lớp 1...

- Phòng GDĐT chủ động tổ chức thành lập đoàn kiểm tra, hỗ trợ, hướng dẫn các trường trên địa bàn quản lý về việc thực hiện chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1 (dự giờ, kiểm tra kế hoạch bài dạy từng môn của gv,...)  và đánh giá kết quả thực hiện CTGDPT đối với lớp 1.

- Phối hợp với các đợt kiểm tra ở nhà trường, Phòng GDĐT có kế hoạch kiểm tra năng lực của các em học sinh kém trí tuệ để nắm bắt tình hình và có tiếp tục giải pháp giảng dạy để giảm tỷ lệ học sinh lưu ban ở mức tối đa.

1.2. Tổ chức thực hiện hiệu quả nội dung giáo dục địa phương ở lớp 1

- Sau khi tham gia tập huấn do Sở GDĐT tổ chức, Phòng GDĐT tổ chức tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên lớp 1 dạy tích hợp giáo dục địa phương vào trong hoạt động trải nghiệm và trong dạy học các môn học.

- Xây dựng kế hoạch triển khai giáo dục địa phương trong kế hoạch giáo dục của nhà trường.

- Thực hiện dạy tích hợp nội dung giáo dục địa phương vào trong Hoạt động trải nghiệm và trong dạy học các môn học (Toán, Tiếng Việt, TNXH, Đạo đức,….) theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Giáo dục địa phương là tài liệu mở, nhà trường có thể điều chỉnh nội dung dạy học sao cho phù hợp với đối tượng học sinh của từng địa phương.

- Giáo viên vận dụng các phương pháp, hình thức tổ chức để giúp học sinh phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo; giúp học sinh có thêm cơ hội trải nghiệm; có thể vận dụng kiến thức đã học để giải quyết một số vấn đề trong thực tiễn, cuộc sống góp phần hình thành phát phẩm chất, năng lực cốt lỗi của học sinh tiểu học.

- Trong quá trình dạy học, Phòng GDĐT chỉ đạo nhà trường/giáo viên lưu ý những nội dung bất cập, không hợp lý với học sinh,…. góp ý để cập nhật, điều chỉnh từng bước để có tài liệu giáo dục địa phương phù hợp với học sinh lớp 1.

1.3. Tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành

Trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, phòng GDĐT giao quyền chủ động cho các trường tiểu học chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh cụ thể:

Tiếp tục triển khai công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 03/10/2017   (bổ sung công văn số 5131/BGDĐT-GDTrH ngày 01/11/2017 của Bộ GDĐT); công văn số 1829/SGDĐT-GDTrH ngày 21/10/2017 của Sở GDĐT về hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018, trong đó tập trung vào các nội dung:

 - Thực hiện chương trình các môn học một cách linh hoạt, đảm bảo tính vừa sức, phù hợp với đối tượng học sinh và thực tiễn giáo dục địa phương; Tổ chức thực hiện nội dung dạy học theo hướng tiếp cận Chương trình giáo dục phổ thông 2018;

- Lãnh đạo các trường căn cứ vào điều kiện thực tiễn, trình độ của học sinh chỉ đạo các tổ chuyên môn tiếp tục rà soát điều chỉnh nội dung dạy học một cách hợp lý nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu giáo dục tiểu học, phù hợp với đối tượng học sinh, đồng thời từng bước thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực của học sinh trên nguyên tắc: đảm bảo yêu cầu chuẩn kiến thức, kĩ năng và phù hợp điều kiện thực tế; rà soát, tinh giản những nội dung chồng chéo, trùng lặp giữa các môn học, giữa các khối lớp trong cấp học và các nội dung quá khó, chưa thực sự cấp thiết đối với học sinh tiểu học; sắp xếp, điều chỉnh nội dung dạy học theo các chủ đề học tập phù hợp với đối tượng học sinh; không cắt xén cơ học mà tập trung vào đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục sao cho nhẹ nhàng, tự nhiên, hiệu quả nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.

- Tích hợp hợp lí, hiệu quả các nội dung giáo dục như bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, quyền và bổn phận của trẻ em, an toàn giao thông, phòng tránh tai nạn thương tích, ứng phó với biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, giáo dục quốc phòng và an ninh…

Về kế hoạch năm học thực hiện theo Quyết định số 2571/QĐ-UBND ngày  28/8/2020 của UBND tỉnh về Ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021; các Phòng GDĐT chỉ đạo nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, thời khóa biểu phù hợp với tình hình của nhà trường.

 Tăng cường các hoạt động thực hành, hoạt động trải nghiệm, rèn kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường, địa phương và khả năng học tập của học sinh. Chú trọng giáo dục đạo đức lối sống, giá trị sống, kĩ năng sống, hiểu biết xã hội cho học sinh, trong đó cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh để giáo dục học sinh hiệu quả, thiết thực.

Các trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo theo quy định để triển khai dạy học trực tuyến hiệu quả, phù hợp điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục tiểu học.

1.4. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 2325/CT-BGDĐT ngày 28/6/2013 về việc chấn chỉnh tình trạng dạy học trước chương trình lớp 1; Chỉ thị số 5105/CT-BGDĐT ngày 03/11/2014 về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học; công văn số 2449/BGDĐT-GDTH ngày 27/5/2016 về việc khắc phục tình trạng chạy trường, chạy lớp. Tinh giản các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh theo công văn số 1915/BGDĐT-GDTrH ngày 05/5/2017.

2. Ðổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; đánh giá học sinh tiểu học và đổi mới sinh hoạt chuyên môn

2.1. Đổi mới phương pháp dạy học

- Tiếp tục triển khai dạy học theo phương pháp "Bàn tay nặn bột"; ngay từ đầu năm học,  nhà trường xây dựng chỉ tiêu cho tổ khối và giáo viên hoàn thiện các tiết dạy, bài dạy, chủ đề áp dụng PP-BTNB; tổ chức các giờ học cho học sinh tự thiết kế, thực hành các thí nghiệm với các vật liệu đơn giản, dễ thực hiện;  tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm cho việc thực hiện dạy học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột.

- Tiếp tục vận dụng các thành tố tích cực của mô hình trường học mới, phương thức giáo dục tiên tiến vào dạy học nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.

- Tiếp tục thực hiện dạy học Mĩ thuật theo phương pháp mới ở các trường tiểu học theo Công văn số 2070/BGDĐT-GDTH ngày 12/5/2016 của Bộ GDĐT, khuyến khích giáo viên thiết kế nội dung học tập bằng cách sắp xếp lại từ các bài học riêng lẻ trong sách giáo khoa thành từng bài học theo chủ đề, dựa trên cốt truyện, trong đó mỗi chủ đề có thể dạy trong 2 đến 3 tiết để tạo điều kiện hoàn thành nhiệm vụ dạy học hiệu quả.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý kết quả giáo dục và học tập của học sinh để giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách, dành nhiều thời gian cho giáo viên quan tâm đến học sinh và đổi mới phương pháp dạy học.

2.2. Tiếp tục thực hiện đổi mới đánh giá học sinh tiểu học

- Tiếp tục thực hiện đánh giá kết quả học tập của học sinh theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 và Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22/9/2016, chú trọng việc nhận xét, động viên, góp ý học sinh trong quá trình học tập; đảm bảo đánh giá đúng trình độ, năng lực học tập của học sinh; kết hợp với đánh giá thường xuyên để làm cơ sở cho việc đánh giá kết quả học tập, hoạt động giáo dục của các em cho từng học kỳ. tích cực chống tiêu cực trong kiểm tra đánh giá.

- Đối với học sinh lớp 1 thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, được đánh giá theo quy định tại Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT ngày 04/9/2020 dựa trên nguyên tắc: Đánh giá học sinh thông qua đánh giá mức độ đạt được theo yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục và những biểu hiện phẩm chất, năng lực của học sinh theo yêu cầu cần đạt của chương trình; thực hiện đánh giá sự tiến bộ và vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng, năng lực; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan; không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.

- Nhà trường tăng cường kiểm tra nhắc nhở giáo viên vận dụng đánh giá thường xuyên trong quá trình tổ chức dạy học. Trong quá trình đánh giá bằng nhận xét, ngoài bằng lời nói, phần nhận xét ghi trong vở, giáo viên cần ghi rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu và phải chỉ ra được nội dung mà học sinh cần phải điều chỉnh thì giáo viên mới có thể giúp học sinh tiến bộ trong học tập;

- Thực hiện bàn giao chất lượng giáo dục cuối năm học một cách nghiêm túc, phù hợp với từng nhóm đối tượng, kiên quyết không để học sinh “ngồi nhầm lớp”; thực hiện khen thưởng học sinh thực chất, đúng quy định; tránh tùy tiện, máy móc, khen tràn lan gây bức xúc cho cha mẹ học sinh và dư luận xã hội.

2.3. Đổi mới hiệu quả sinh hoạt chuyên môn

-  Phòng GDĐT, nhà trường tích cực tổ chức sinh hoạt chuyên môn tại các tổ chuyên môn trong nhà trường hoặc giao lưu sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường; chú trọng đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chuyên môn thông qua hoạt động dự giờ, nghiên cứu bài học công văn 792/SGDĐT-GDMNTH ngày 05/5/2020 về hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn theo công văn số 1315/BGDĐT-GDTH ngày 16/4/2020; mở chuyên đề hướng dẫn giáo viên về hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, chú trọng kỹ thuật đánh giá thường xuyên; xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học để thực hiện cả ở trên lớp và ngoài lớp học;

- Đối với tổ sinh hoạt chuyên môn lớp 1 cần tập trung nhiều vào việc trao đổi, chia sẻ nội dung các bài học trong sách giáo khoa, cách thức giảng dạy, vận dụng phương pháp, hình thức tổ chức của bài học đó nhằm giúp học sinh phát triển năng lực, phẩm chất qua các hoạt động học tập,…và đúng ý tưởng của sách.

3. Đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, gắn giáo dục nhà trường với thực tiễn cuộc sống

Xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, chương trình nhà trường cho phù hợp với thực tiễn và tâm sinh lý học sinh. Tăng cường tổ chức các hoạt động học tập ngoài lớp học phù hợp với nội dung các môn học và hoạt động giáo dục cũng như phù hợp với thực tiễn (chú ý công tác phòng chống dịch bệnh). Khuyến khích các cơ sở giáo dục tổ chức các chủ đề giáo dục STEM và STEAM cho học sinh.

Thực hiện dạy học gắn kết giữa lý thuyết với thực hành; tăng cường các hoạt động trải nghiệm, vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống của học sinh. Lồng ghép, tích hợp giáo dục đạo đức, nhân cách; giáo dục quốc phòng và an ninh; giáo dục pháp luật; giáo dục tài chính; an toàn giáo thông; bảo vệ động vật hoang dã; giáo dục nhận thức về quyền và bổn phận của trẻ em; bình đẳng giới; phòng chống tai nạn thương tích; phòng chống HIV/AIDS; chú trọng giáo dục lối sống, kĩ năng sống; thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe và y tế trường học; tuyên truyền, giáo dục chủ quyền quốc gia về biên giới, biển đảo; bảo vệ môi trường; bảo tồn thiên nhiên; ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, giáo dục an toàn giao thông…

4. Nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh, Tin học

4.1. Dạy học tiếng Anh:

- Triển khai Chương trình môn tiếng Anh tự chọn lớp 1 đảm bảo các yêu cầu được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và Công văn số 681/BGDĐT-GDTH ngày 04/3/2010. Khi triển khai thực hiện cần chú ý đến các yếu tố: sự tự nguyện tham gia học của học sinh (đối với học sinh có trí nhớ kém, nhà trường không vận động phụ huynh các em tham gia), chất lượng đạt chuẩn của đội ngũ tham gia giảng dạy; thực hiện kiểm tra đánh giá theo quy định, chủ yếu tập trung vào đánh giá thường xuyên; đảm bảo tính chất làm quen của chương trình; tạo hứng thú, sự yêu thích môn học và không gây quá tải cho học sinh. Sách giáo khoa sử dụng dạy tiếng Anh tự chọn lớp 1 theo CTGDPT 2018 phải thuộc danh mục sách giáo khoa được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt.

- Tiếp tục thực hiện chương làm quen tiếng Anh lớp 2 hiện hành theo kế hoạch của các Phòng GDĐT. Khi thực hiện cần có những giải pháp tiếp cận Chương trình môn tiếng Anh tự chọn lớp 1 và lớp 2 trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 một cách linh hoạt, phù hợp.

- Đảm bảo 100% thực hiện dạy học tiếng Anh 4 tiết/tuần theo giáo trình Family and Friends Speacial Edition, theo công văn số 623/SGDĐT-GDTH ngày 17/5/2016 đối với học sinh lớp 3,4,5.

- Trên cơ sở của giáo trình Family and Friends Speacial Edition nhằm tăng cường kỹ năng Nghe-Nói, tiếp tục triển khai thực hiện dạy tăng thêm 2 tiết tiếng Anh/tuần cho 100% sinh lớp 3,4,5 giai đoạn 2019-2025 theo Nghị quyết 123/2019/NQ-HĐND ngày 13/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Tuy nhiên các trường chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên có thể tổ chức từng bước cho khối 3 hoặc khối 3;4. Kinh phí dạy tăng 2 tiết/tuần thực hiện theo công văn số 1675/SGDĐT-KHTC ngày 28/8/2020 về hướng dẫn thực hiện lập dự toán và chi dạy tăng 2 tiết tiếng Anh/tuần theo Nghi quyết 123/2019/NQ-HĐND .Phòng GDĐT báo cáo khó khăn, vướng mắc về thực hiện dạy tiếng Anh tăng 2 tiết tiếng Anh/tuần.

          - Thực hiện việc kiểm tra đánh giá theo quy định; chú trọng thực hiện đánh giá thường xuyên; bài kiểm tra định kỳ cần đánh giá đủ cả 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết.

- Theo công văn số 1448/SGDĐT-GDMNTH ngày 25/7/2019 Khuyến khích các nhà trường thực hiện xã hội hóa trong dạy học tiếng Anh để tăng cường thời lượng học tiếng Anh; học tiếng Anh qua môn Toán, môn Khoa học, truyện đọc tiếng Anh và các hoạt động trải nghiệm; tạo các sân chơi, giao lưu tiếng Anh; phát động phong trào giáo viên các môn học khác cùng tham gia cùng học tiếng Anh với học sinh.

         - Tăng cường tổ chức  các sân chơi, giao lưu tiếng Anh; khuyến khích đọc sách, truyện tiếng Anh;….. để tạo môi trường học tập, sử dụng tiếng Anh cho học sinh một cách thiết thực, thân thiện, tương tác và hiệu quả.

- Các phòng GDĐT, nhà trường tăng cường kiểm tra, giám sát các trường   về việc thực hiện các chương trình liên kết, chương trình có yếu tố nước ngoài và chịu trách nhiệm về chất lượng dạy học tiếng Anh tại nhà trường và địa bàn quản lý theo hình thức xã hội hóa.

- Các phòng GDĐT bố trí hội đồng bộ môn tiếng Anh đi kiểm tra dự giờ giáo viên tiếng Anh, tổ chức các chuyên đề nhằm giao lưu học tập, chia sẻ kinh nghiệm về hình thức tổ chức lớp, phương pháp dạy học theo hướng tích cực. Đổi mới hình thức kiểm tra, chấm bài kiểm tra,… nhằm nâng cao hiệu quả.

4.2. Dạy học môn Tin học và tổ chức hoạt động giáo dục tin học:

- Tổ chức dạy học môn Tin học và tổ chức hoạt động giáo dục tin học theo công văn số 3539/BGDĐT-GDTH ngày  19/8/2019.

- Tiếp tục đẩy mạnh tổ chức dạy học môn Tin học tự chọn, thực hiện có hiệu quả việc xây dựng kế hoạch giáo dục môn học; đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo “hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh”. Có kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên Tin học, tăng cường đầu tư nâng cấp thiết bị dạy học để từng bước nâng cao chất lượng dạy học môn Tin học.

Cùng với việc tổ chức tốt dạy học Tin học cho học sinh lớp 3, lớp 4, lớp 5 theo quy định trong chương trình, các trường cần có giải pháp phù hợp tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục tin học cho học sinh và đáp ứng sở thích, nhu cầu, phát hiện và bồi dưỡng phát triển năng lực tin học, tư duy khoa học máy tính, hình thành và nuôi dưỡng đam mê khoa học, công nghệ cho học sinh tiểu học. Khuyến khích các trường tổ chức cho học sinh lớp 1, lớp 2 được làm quen với tin học

Tham mưu với UBND huyện/TX/TP có kế hoạch trang bị phòng máy tính cho các trường còn thiếu và phát triển đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo được tập huấn, bồi dưỡng theo quy định của Bộ GDĐT, từng bước được chuẩn hóa để tổ chức dạy học Tin học theo CTGDPT 2018 từ năm học 2022-2023. Có giải pháp phù hợp đảm bảo 100% học sinh lớp 3,4,5 trên địa bàn quản lý được học tin học.

5. Chỉ đạo dạy và học 2 buổi/ngày

- Các trường đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cần tổ chức dạy học 2 buổi/ngày nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; thời lượng tối đa 7 tiết học/ngày, sáng 4 tiết, chiều 3 tiết.  Tuy nhiên do thực hiện theo chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tăng thêm 2 tiết tiếng Anh/tuần theo Nghị quyết 123/2019/NQ-HĐND ngày 13/12/2019 và thực hiện dạy 1 tiết đọc sách/tuần. Nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày phù hợp, hiệu quả, tránh tránh tình trạng học sinh học quá sức trong 1 ngày.

- Về tổ chức bán trú: Khuyến khích tổ chức bán trú cho học sinh. Nhà trường tổ chức bán trú với nội dung, hình thức phù hợp điều kiện thực tế, trên cơ sở thống nhất, tự nguyện của học sinh, cha mẹ học sinh và theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan quản lý cấp trên.. Nhà trường cần tăng cường kiểm tra vệ sinh, an toàn thực phẩm để đảm bảo sức khoẻ học sinh.

-  Về tổ chức cho học sinh sau giờ học chính thức trong ngày: căn cứ vào nhu cầu, sở thích của học sinh, có thể tổ chức các hoạt động dưới hình thức sinh hoạt câu lạc bộ hoặc sử dụng cơ sở vật chất của nhà trường (thư viện, sân chơi, bãi tập, nhà đa năng...) tạo điều kiện để học sinh vui chơi, giải trí sau giờ học chính thức trong ngày.

            - Lãnh đạo nhà trường cần chỉ đạo giáo viên hướng dẫn cho học sinh tự học để hoàn thành nội dung học tập trong giờ học trên lớp, cho học sinh để sách vở và đồ dùng học tập tại lớp.

- Các Phòng GDĐT cần tích cực, chủ động tham mưu với chính quyền địa phương quan tâm, có kế hoạch và lộ trình nâng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày và tỷ lệ học sinh được ở bán trú.;  đầu tư cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ giáo viên, đẩy mạnh xã hội hóa để đảm bảo các điều kiện chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình GDPT mới 2018 đối với cấp tiểu học thực hiện dạy 2 buổi/ngày.

6. Thực hiện giáo dục đối với học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số

6.1. Đối với học sinh khuyết tật

- Nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh khuyết tật theo Luật Người khuyết tật 2010 và các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục người khuyết tật; Thông tư số 15/2019/TT-BGDĐT ngày 30/8/2019 ban hành Quy định Chuẩn quốc gia về chữ nổi Braille cho người khuyết tật và Thông tư số 17/2020/TT-BGDĐT ngày 29/6/2020 ban hành Quy định Chuẩn quốc gia về ngôn ngữ kí hiệu cho người khuyết tật, các trường khuyết tật xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục người khuyết tật phù hợp với đói tượng học sinh.

- Thông tư số 03/2018/TT-BGDĐT ngày 29/01/2018 Quy định về giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật, trong đó học sinh học hòa nhập được học tập và đánh giá theo kế hoạch giáo dục cá nhân;  tùy theo dạng tật, mức độ khuyết tật mà học sinh được miễn một phần, một số nội dung, một số môn học với mục tiêu giúp học sinh khuyết tật được tương tác cùng bạn bè, các em hòa nhập và yêu cuộc sống; thực hiện đánh giá xếp loại cho phù hợp với mỗi đối tượng học sinh; tăng cường tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về vấn đề giáo dục hòa nhập. Đối với học sinh khuyết tật trí tuệ, Phòng GDĐT chỉ đạo nhà trường mời vài lần cha mẹ học sinh chứng kiến tường tận tình hình học tập của học sinh và thuyết phục cha mẹ học sinh đi khám bệnh cho các em và cung cấp hồ sơ của các em để cùng nhà trường trình UBND xã/phường/thị trấn xác định mức độ khuyết tật cho các em theo Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH ngày 02/01/2019 quy đinh về xác định mức độ khuyết tật do hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện.

- Thực hiện đầy đủ các chính sách đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy học sinh khuyết tật theo phương thức giáo dục hòa nhập tại công văn số 1543/SGDĐT-KHTC ngày 13/8/2019 về chi trả phụ cấp ưu đãi giảng dạy người khuyết tật theo Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ. (Lưu ý: Để thực hiện chính sách cho giáo viên thì học sinh  phải có giấy chứng nhận xác định mức độ khuyết tật và kết quả học tập của học sinh đó có tiến bộ, không lưu ban).

6.2. Đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn; khó khăn trong học tập

 - Đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn: nhà trường/giáo viên có giải pháp giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường/lớp bằng nhiều hình thức như: hỗ trợ cho học sinh mượn sách, tặng sách cho học sinh,…; trong lớp học phát động phong trào giúp bạn nghèo như: tặng vở, quần áo, dụng cụ học tập,…

- Đối với học sinh khó khăn về học tập: giáo viên quan tâm, gần gũi, động viên, chỉ dẫn kèm cặp học sinh; tránh sự buông trôi, phó mặc các em; tăng cường giải pháp giúp đỡ học sinh chậm tiến bộ,  tránh tình trạng để học sinh bỏ học, lưu ban quá nhiều ở lớp 1, Phòng GDĐT chỉ đạo nhà trường phối hợp cha mẹ học sinh đưa ra giải pháp, hình thức dạy học/phụ đạo để giúp các em vượt qua giai đoạn biết đọc, viết và tính toán ớ lớp 1 để các em đủ năng lực, tương tác, hòa nhập với các bạn cùng lứa tuổi ở các lớp trên (có thể giảm cho các em một số môn học, một số nội dung tập trung vào các kĩ năng biết đọc, viết và tính toán ).

6.3. Đối với học sinh dân tộc thiểu số

- Căn cứ vào điều kiện thực tế, phòng GDĐT cần chỉ đạo các trường thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số đảm bảo cho học sinh đạt chuẩn năng lực tiếng Việt của mỗi khối lớp và của cấp học.

-  Thực hiện chính sách đối với các học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn nhằm động viên, khích lệ học sinh chuyên cần tới trường, đảm bảo quyền bình đẳng của học sinh giữa các vùng miền.

7. Tổ chức các hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; hoạt động trải nghiệm; xây dựng, phát triển thư viện trường tiểu học đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục phổ thông theo hướng tiếp cận năng lực cho học sinh

7.1.Tổ chức các hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt dộng trải nghiệm

- Tăng cường thực hiện tổ chức các hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khoá theo hướng tổ chức hoạt động trải nghiệm theo hướng dẫn tại Công văn 3535/BGDĐT-GDTH ngày 19/8/2019; tập trung vào các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, giáo dục giá trị sống, kĩ năng sống, kĩ năng tự bảo vệ bản thân tránh bị xâm hại, bạo lực; giáo dục bảo vệ môi trường; giáo dục quốc phòng và an ninh; ứng phó kịp thời với diễn biến dịch Covid-19… cho học sinh.

- Dạy Hoạt động trải nghiệm đối với lớp 1, giáo viên vận dụng phương pháp, hình thức tổ chức sao cho học sinh thực hành nhiều trong giờ học và sau giờ học chính thức.

- Thực hiện 4 môn thể thao ngoài trời  như : bóng đá, bóng rổ, cầu lông, bông chuyền, đá cầu, bơi lội,…

- Tăng cường công tác truyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong trường học, thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/2/2019 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021, đưa nội dung giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và văn hóa giao thông vào trong chương trình chính khóa dưới hình thức tích hợp vào nội dung một số môn học và hoạt động giáo dục.

7.2. Xây dựng, phát triển thư viện trường tiểu học đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục phổ thông theo hướng tiếp cận năng lực cho học sinh

- Tiếp tục thực hiện và duy trì 100% các trường thực hiện dạy tiết đọc sách, các phòng GDĐT chỉ đạo các trường bố trí giáo viên chủ nhiệm dạy tiết đọc sách tại thư viện, (đối với trường không có thư viện thì bố trí dạy tiết đọc tại lớp) với thời lượng 4 tiết/tháng. Riêng đối với trường, lớp dạy 1 buổi/ngày, khó khăn trong việc xếp thời khóa biểu có thể xếp tiết đọc sách lồng ghép với tiết sinh hoạt tập thể và được thể hiện trên thời khóa biểu. 

- Để hình thành thói quen đọc sách cho học sinh, ở tiết sinh hoạt chào cờ đầu tuần, các trường tổ chức cho 2-3 em học sinh đọc sách nhằm giới thiệu sách hay cho học sinh đọc và lôi cuốn học sinh tự nguyện đọc sách ngày càng được nhiều hơn.

- Nhà trường đầu tư thêm sách/truyện, cơ sở vật chất, phương tiện kĩ thuật, học liệu và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và tổ chức hoạt động thư viện;

8. Phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tiểu học đảm bảo đủ về số lượng, chuẩn hóa về trình độ đào tạo, đồng bộ về cơ cấu, nâng cao chất lượng theo chuẩn nghề nghiệp

- Thực hiện quản lý, đánh giá đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên[1], chuẩn hiệu trưởng[2] bảo đảm thực chất, gắn với thi đua, khen thưởng để tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo gắn bó với nghề; tiếp tục rà soát chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học theo Luật Giáo dục năm 2019; rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng giáo viên theo chuẩn về trình độ đào tạo; bảo đảm số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

- Các Phòng GDĐT tổ chức rà soát, tổng hợp và xây dựng kế hoạch theo lộ trình để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiểu học đạt chuẩn trình độ theo quy định tại Thông tư số 24/2020/TT-BGDĐT ngày 25/8/2020 của Bộ GDĐT về việc Quy định việc sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo, Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.. Tránh trường hợp các trường bắt buộc hoặc ép giáo viên tự chi tiền đi học nâng chuẩn tự túc.

- Rà soát cơ cấu đội ngũ giáo viên theo môn học, hoạt động giáo dục; xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển dụng giáo viên bảo đảm số lượng và chất lượng, cân đối về cơ cấu giáo viên, nhân viên, nhất là các môn Tin học, tiếng Anh, Mĩ thuật, Âm nhạc, Giáo dục thể chất đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả công văn 7814/UBND-SNV ngày 30/7/2020 về triển khai Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/7/2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế.

-Tổ chức tốt việc bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng chuẩn nghề nghiệp và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gắn với thực tiễn của địa phương[3].

9. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng có hiệu quả cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt đối với đội ngũ giáo viên dạy lớp 2 năm học 2021-2022

- Phòng GDĐT về xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý cốt cán và giáo viên cốt cán các môn học để tham gia bồi dưỡng, tập huấn  do Bộ GDĐT, Sở GDĐT tổ chức và thực hiện bồi dưỡng, tập huân lại cho cán bộ quản lý, giáo viên đại trà theo phương thức bồi dưỡng  trực tiếp, trực tuyến, qua mạng,

- Phòng GDĐT chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch phân công giáo viên dạy học lớp 2 năm học 2021-2022, phối hợp chặt chẽ với Sở GDĐT tổ chức bồi dưỡng cho 100%  cán bộ quản lý tiểu học, giáo viên dạy học lớp 2 năm học 2021-2022 về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa lớp 2 nhằm chuẩn bị tốt cho năm học 2021-2022.

- Tổ chức sinh hoạt chuyên môn và hướng dẫn giáo viên trong tổ, nhóm chuyên môn tham gia cùng xây dựng kế hoạch cá nhân, kịp thời phát hiện thuận lợi, khó khăn và đề xuất những biện pháp giải quyết khó khăn về chuyên môn, nghiệp vụ khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

-Ngày 06/11/2020, Phòng GDĐT gửi danh sách dự kiến phân công giáo viên dạy học lớp 2 năm học 2021-2022 của các trường để tập trung bồi dưỡng, đảm bảo 100% CBQL, giáo viên dạy học lớp 2 năm học 2021-2022 được bồi dưỡng về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa lớp 2 trước khi năm học 2021-2022 bắt đầu.

II. Duy trì, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, đảm bảo hiệu quả kiểm định chất lượng giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và quy hoạch hợp lý mạng lưới trường, lớp

1. Duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học

- Tiếp tục thực hiện Thông tư số 07/2016/TT-BGDĐT ngày 22/3/2016 Quy định về điều kiện bảo đảm và nội dung, quy trình, thủ tục kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

- Tiếp tục xây dựng kế hoạch duy trì đạt chuẩn Phổ cập GDTH mức độ 3 trong năm 2020.

-  Nâng cao hiệu quả công tác thu thập quản lý số liệu, thực hiện phần mềm quản lý số liệu phổ cập. Sử dụng phần mềm phổ cập về quản lý dữ liệu để rà soát số liệu và làm căn cứ để công nhận xã/phường/thị trấn đạt chuẩn về phổ cập;

- Xây dựng các giải pháp cụ thể để hạn chế học sinh lưu ban, bỏ học. Đặc biệt quan tâm đến huy động 100% trẻ em 6 tuổi đến trường và huy động trẻ khuyết tật học hòa nhập.

2. Đảm bảo hiệu quả kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia

Tiếp tục thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục và kiểm tra công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia theo quy định tại Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018.

- Các trường đạt chuẩn chuẩn quốc gia và  kiểm định chất lượng cần tiếp tục giữ vững và nâng cao mức độ đạt chuẩn. Chú trọng nâng cao các tỷ lệ về huy động, về chất lượng dạy học, hiệu quả giáo dục và thể hiện vai trò tiên phong trong việc đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy học và giáo dục toàn diện cho học sinh.

- Các Phòng GDĐT chỉ đạo kiểm tra, rà soát và đề nghị công nhận lại các trường đã đạt chuẩn quốc gia sau 5 năm.

- Các trường còn lại chưa đạt, phải phấn đấu thu thập các minh chứng nhằm khẳng định quá trình phấn đấu của trường (minh chứng có thể bằng các tài liệu, các văn bản, các hình ảnh…) và lập hồ sơ đề nghị kiểm tra công nhận đạt kiểm định chất lượng mức độ 1.

Mỗi địa phương cần chỉ đạo điểm, xây dựng một số trường tiểu học thật sự tiêu biểu, điển hình từ đó rút kinh nghiệm để nhân rộng theo từng năm. Khuyến khích các địa phương có điều kiện mạnh dạn áp dụng những mô hình giáo dục tiên tiến, hiện đại, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, từng bước đưa giáo dục tiểu học Việt Nam tiến kịp các nước có nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và thế giới.

3. Rà soát, quy hoạch hợp lý mạng lưới trường, lớp đảm bảo thuận lợi cho học sinh đến trường.

- Các Phòng GDĐT  tích cực tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục một cách phù hợp; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục tiểu học đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân, đảm bảo các yêu cầu, điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục.

- Xây dựng kế hoạch, lộ trình phù hợp với điều kiện địa phương. sát nhập, quy hoạch lại mạng lưới trường lớp phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục toàn diện; không được gây xáo trộn, khó khăn, bất cập cho các nhà trường; không làm ảnh hưởng đến tâm lí đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên.

- Thực hiện theo Chỉ thị số 25/CT-UBND ngày 27/12/2011 về tăng cường thực hiện công tác vệ sinh trường học, Phòng GDĐT cần chỉ đạo các trường tiểu học xây dựng và quản lí tốt môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, dân chủ, an toàn, chất lượng và bình đẳng. Vệ sinh trường học (trong lớp học; ngoài sân trường; góc sân trường; nhà vệ sinh phải sạch sẽ, không có mùi hôi,…), đặt thêm thùng rác trong sân trường, tối đa 20m đặt 1 thùng rác, khuyến khích các trường phân loại rác và hướng dẫn học sinh phân loại rác; Có hệ thống nước sạch, xử lý tốt hệ thống thoát nước thải, thu gom rác thải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường.

III. Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục tiểu học

- Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại các địa phương, chủ động tham mưu, đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo, đặc biệt là việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mà trọng tâm là thực hiện đối với lớp 1 và công tác chuẩn bị đối với lớp 2 từ năm học 2021-2022.

- Tổ chức và định hướng truyền thông, tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới về giáo dục và đào tạo; chủ động xử lý các vấn đề truyền thông, nâng cao việc phân tích và xử lý thông tin, đáp ứng yêu cầu truyền thông của Ngành. Tiếp tục tăng cường truyền thông nội bộ, bảo đảm các chủ trương đổi mới, quy định của Ngành đến được từng cán bộ, giáo viên, người lao động trong các cấp quản lý và cơ sở giáo dục; tổ chức tập huấn cho cán bộ chuyên trách truyền thông nhằm nâng cao kỹ năng phát ngôn và cung cấp thông tin về giáo dục và đào tạo.

Trên cơ sở của những nội dung hướng dẫn trên đây, căn cứ vào tình hình thực tiễn tại huyện/thị/thành phố , Phòng GDĐT xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện.Trong quá trình chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ giáo dục tiểu học, nếu có những vấn đề khó khăn cần giải quyết, các Phòng GDĐT phản ánh về Sở GDĐT (Bộ phận Giáo dục Tiểu học) để kịp thời giải quyết./.
 
File đính kèm: Download

[1] Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông.

[2] Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT quy định Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông.

[3] Theo quy định tại Thông tư số 19/2019/TT-BGDĐT ngày 12/11/2019 ban hành Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên; Thông tư số 18/2019/TT-BGDĐT ngày 01/11/2019 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng thường xuyên cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông; Thông tư số 17/2019/TT-BGDĐT ngày 01/11/2019 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông.

1450 người đã bình chọn
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin liên quan
1 2 3 4