Chào mừng đến với Cổng thông tin điện tử ngành Giáo dục & Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Công văn số: 2129/SGDDT-GDTrHTX, ngày 20 tháng 10 năm 2020 V/v hướng dẫn nhiệm vụ GDTrH năm học 2020-2021

Kính gửi:

- Các phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thị xã, thành phố;

- Các Trường Trung học phổ thông trực thuộc.

Thực hiện Chỉ thị số 666/CT-BGDĐT ngày 24/8/2020 về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020-2021 của ngành Giáo dục; Quyết định số 2084/QĐ-BGDĐT ngày 27/7/2020 ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT); Công văn số 3414/BGDĐT-GDTrH ngày 4/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2020-2021; Quyết định số 2571/QĐ-UBND ngày 28/8/2020 của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên;

Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường Trung học phổ thông triển khai thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2020-2021 như sau:

A. Các đơn vị triển khai cụ thể và có hiệu quả Công văn số 3414/BGDĐT-GDTrH ngày 4 tháng 9 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2020-2021 (đính kèm) phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị;

B. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị tập trung một số nội dung cụ thể sau:

Tăng cường công tác tuyên truyền để quán triệt và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đổi mới giáo dục trung học; thực hiện tốt mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm trường học an toàn và nâng cao chất lượng giáo dục trung học; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, sức khoẻ cho học sinh; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình giáo dục trung học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, đẩy mạnh triển khai giáo dục STEM, đồng thời tích cực chuẩn bị các điều kiện triển khai Chương trình GDPT mới[1] (Chương trình GDPT 2018), ưu tiên cho việc triển khai thực hiện đối với lớp 6 từ năm học 2021-2022; tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý, quản trị cơ sở giáo dục, tăng cường nền nếp, kỷ cương, chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các cơ sở giáo dục trung học. Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật trong kế hoạch giáo dục nhà trường. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật theo Công văn số 2257/SGDĐT-GDTrH ngày 04/12/2018 của Sở GDĐT về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ dạy học học sinh khuyết tật học hòa nhập cấp THCS, THPT; Công văn số 953/SGDĐT-GDTrH ngày 28/5/2020 của Sở GDDĐT về việc ban hành mẫu Kế hoạch giáo dục cá nhân cấp THCS, THPT.

I. Thực hiện kế hoạch giáo dục

1. Trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ của từng cấp học trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS, THPT tại Công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH ngày 27 tháng 8 năm 2020; các trường trung học phổ thông, các phòng GDĐT giao quyền chủ động cho các đơn vị xây dựng kế hoạch giáo dục của từng môn học, hoạt động giáo dục theo hướng sắp xếp lại các bài học trong sách giáo khoa thành bài học theo chủ đề phù hợp với các chủ đề tương ứng trong chương trình, xây dựng một số bài học theo chủ đề liên môn đối với những kiến thức giao thoa giữa các môn học, tạo thuận lợi cho việc thiết kế tiến trình dạy học thành các nhiệm vụ học tập của học sinh theo phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực để thực hiện ở trong và ngoài lớp học, trong đó có các nhiệm vụ học tập có thể giao cho học sinh thực hiện ở nhà hoặc qua mạng, chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 và các tình huống bất thường khác.

1.1. Xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện thực tế theo khung thời gian 35 tuần thực học (học kỳ I: 18 tuần, học kỳ II: 17 tuần), đảm bảo thời gian năm học thống nhất cả tỉnh. Kế hoạch giáo dục của cơ sở giáo dục phải được sở GDĐT (đối với THPT)/phòng GDĐT (đối với THCS) xác nhận trước khi thực hiện và là căn cứ để kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện.

Thủ trưởng đơn vị căn cứ và kế hoạch năm học để xây dựng kế hoạch giá dục chung của đơn vị, báo cáo về Sở GDĐT (đối với cấp THPT) và phòng GDĐT (đối với cấp THCS) để được phê duyệt thực hiện. Trong kế hoạch năm học xây dựng lồng ghép kế hoạch giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật trong kế hoạch giáo dục nhà trường.

Tổ trưởng chuyên môn xây dựng kế hoạch giáo dục chung của tổ căn cứ trên kế hoạch giáo dục của nhà trường và kế hoạch cá nhân của thành viên trong tổ, họp thống nhất tổ chuyên môn trước khi trình lãnh đạo đơn vị phê duyệt.

Giáo viên xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân, thông qua tổ và được tổ trưởng/nhóm trưởng phê duyệt;

1.2. Tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng giải quyết các vấn đề thực tiễn góp phần hình thành, phát triển năng lực và qua đó giúp học sinh xác định động cơ, thái độ học tập. Tổ chức các hoạt động giáo dục gắn với thực tiễn cuộc sống, tổ chức các hoạt động dạy học hướng đến việc phát triển năng lực học sinh.

1.3. Căn cứ Công số 7291/BGDĐT-GDTrH ngày 1/11/2010 của Bộ GDĐT về hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày, các đơn vị rà soát nếu đơn vị đảm bảo về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất thì tiến hành đăng ký dạy 2 buổi/ngày về Sở GDĐT (đối với THPT) và phòng GDĐT (đối với THCS) để thực hiện.

1.4. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện giáo dục STEM trong giáo dục phổ thông trong năm học theo hướng dẫn tại Công văn số 3089/BGDĐT-GDTrH ngày 14/8/2020 của Bộ GDĐT, Công văn số 1884/SGDĐT-GDTrHTX ngày 28/9/2020 của sở GDĐT.

1.5. Xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, Sở GDĐT hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường đối với các trường trung học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh từ năm học 2020-2021.

1.6. Triển khai thực hiện giáo dục quốc phòng an ninh, giáo dục thể chất theo các Công văn hướng dẫn của bộ GDĐT, sở GDĐT. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị vị cần chú trọng một số vấn đề về chuyên môn.

- Rà soát, đảm bảo đội ngũ giảng dạy QPAN thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 13/2014/NĐ-CP ngày 25/02/2014 của Chính phủ, các đơn vị không đủ nhân sự xây dựng kế hoạch phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, ban chỉ huy quân sự huyện, thị xã, thành phố để giảng dạy trong nhà trường.

- Tổ chức dạy bộ môn giáo dục thể chất đúng theo quy định; tăng cường sử dụng cơ sở vật chất hiện có của trường để đưa các bộ môn thể thao ngoài trời vào môn tự chọn trong chương trình giáo dục thể chất; sắp xếp thời khóa biểu một cách linh động khoa học, không sắp xếp thời khóa biểu các tiết 5 buổi sáng và tiết 1 buổi chiều.

2. Tập trung nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ

- Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình các môn ngoại ngữ trong chương trình GDPT hiện hành và các chương trình môn học thí điểm, đáp ứng lộ trình triển khai Chương trình GDPT mới, Chương trình GDPT 2018. Khuyến khích triển khai thí điểm dạy tiếng Anh tích hợp trong các môn học khác và dạy các môn học khác (Toán và các môn Khoa học) bằng tiếng Anh tại trường trung học phổ thông chuyên và các trường THCS, THPT có đủ điều kiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

- Tiếp tục tăng cường đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ; bảo đảm cơ cấu số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu và tiến độ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và thực hiện tốt Nghị Quyết 123 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tập trung triển khai kế hoạch tăng 02 tiết tiếng Anh/ tuần ở tất cả các lớp từ lớp 3 đến lớp 12 từ năm học 2020 – 2021. Tổ chức bồi dưỡng thường xuyên thông qua các hoạt động tập huấn, sinh hoạt chuyên môn, dự giờ trao đổi, góp ý, tư vấn cho giáo viên,… Phát huy hiệu quả sinh hoạt tổ bộ môn trong nâng cao chất lượng đội ngũ.

- Tiếp tục xác định ngoại ngữ 1 trong toàn tỉnh là tiếng Anh. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai và đẩy mạnh dạy học ngoại ngữ 2 (tiếng Nhật, tiếng Pháp) tại một số trường THPT.

- Tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ triển khai cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh, và triển khai dạy học tiếng Anh tự chọn cho học sinh lớp 1 lớp 2 để sẵn sàng thực hiện chương trình môn tiếng Anh mới theo lộ trình; có kế hoạch tổ chức đánh giá năng lực học sinh theo chuẩn đầu ra đáp ứng mục tiêu đề ra trong Nghị Quyết 123 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu.

- Nâng cao hiệu quả đổi mới kiểm tra đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh theo hướng phát triển năng lực tư duy, khả năng giao tiếp, thảo luận, thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tăng cường rèn luyện kỹ năng phát triển khả năng giao tiếp: dạy học phân hoá trên cơ sở chuẩn kiến thức, kỹ năng (CKT-KN) của Chương trình giáo dục phổ thông và khung chuẩn năng lực ngôn ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (KCNLNN). Tổ chức xây dựng kho tư liệu, ngân hàng câu hỏi luyện tập, thi thử cho giáo viên và học sinh.

- Bổ sung trang thiết bị, học liệu đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ngoại ngữ; tiếp tục xây dựng và triển khai hệ thống hỗ trợ dạy học ngoại ngữ trực tuyến và trên máy tính.

- Tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu của Đề án dạy và học ngoại ngữ (QĐ 2080/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh bổ sung đề án và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 – 2025, Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 6/5/2019 của UBND tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu về việc triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2019-2025 trên địa bản tỉnh; Nghị Quyết 123 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Xây dựng và phát triển môi trường học và sử dụng ngoại ngữ, các sân chơi như Hội thi nói các môn ngoại ngữ. Khuyến khích các em tích cực tham gia các sân chơi các hội thi tiếng Anh như IOE và cuộc thi Olympic tiếng Anh.

- Tổ chức khảo sát định kỳ năng lực ngoại ngữ cho tất cả các giáo viên ngoại ngữ cũng như học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 trong toàn tỉnh, phân tích chính xác điểm mạnh/yếu của từng cá nhân theo từng kỹ năng, từ đó có thể điều chỉnh kế hoạch giảng dạy, học tập, rèn luyện thích hợp thích hợp và kịp thời. Tổ chức những đợt tham quan học tập cho giáo viên ngoại ngữ nhằm tăng cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm.

- Khuyến khích các đơn vị có điều kiện thuận lợi, phù hợp tiếp tục tăng cường triển khai việc thuê giáo viên tiếng Anh người nước ngoài trực tiếp giảng dạy trong trường học theo tinh thần xã hội hóa; và khuyến khích việc thuê giáo viên tiếng Anh người nước ngoài dạy trực tuyến đối với cá đơn vị ở những địa bàn khó khăn.

- Tuyên truyền rộng rãi về chế độ khen thưởng tài năng theo Quyết định 05/2013/QĐ-UBND ngày 15/01/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh nhằm khuyến khích và đẩy mạnh phong trào học tập, nâng cao năng lực ngoại ngữ trong học sinh và Công văn 842/SGDĐT-GDTrH ngày 24/5/2018 của Sở GDĐT.

3. Tăng cường giáo dục ý thức tuân thủ luật pháp khi tham gia giao thông của các bộ công chức viên chức và học sinh trong nhà trường; đưa giáo dục ATGT lồng ghép vào trong giảng dạy của các bộ môn GDCD, Địa lí, hoạt động NGLL, trong các buổi sinh hoạt chung của nhà trường.

4. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; tăng cường công tác giáo dục kỹ năng sống, xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; công tác tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông; công tác xã hội trong trường học. Lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kĩ năng sống trong các chương trình môn học và hoạt động giáo dục, bao gồm: học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phổ biến, giáo dục pháp luật; phòng chống tệ nạn xã hội và phòng, chống tham nhũng; chủ quyền Quốc gia về biên giới, biển đảo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; bảo vệ môi trường; đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên; ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.

5. Các cơ sở giáo dục tiếp tục duy trì nền nếp thực hiện các bài thể dục buổi sáng, bài thể dục giữa giờ nhằm tăng cường sức khỏe, phát triển thể lực toàn diện, trang bị kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản và hình thành cho học sinh thói quen tập luyện thể dục, thể thao;

II. Đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá

1. Nâng cao chất lượng dạy học qua internet

- Thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo các tổ/nhóm chuyên xây dựng kế hoạch dạy học quan internet, xây dựng các bài học, bài tập, bài điện tử để giao cho học sinh thực hiện các hoạt động phù hợp trên môi trường mạng, ưu tiên các nội dung học sinh có thể tự học, tự nghiên cứu như: đọc sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, xem video, thí nghiệm mô phỏng…. để trả lời các câu hỏi, bài tập được giao. Nội dung các bài học điện tử; bài kiểm tra, đánh giá; hoạt động của giáo viên và hoạt động của học sinh trên môi trường mạng phải được tổ chức và quản lý trên hệ thống quản lý học tập (Learning Management System - LMS) hoặc hệ thống quản lý nội dung học tập (Learning Content Management System - LCMS). Thời gian quy định cho mỗi bài học phải bảo đảm sự phù hợp để học sinh tự truy cập vào bài học, thực hiện các nhiệm vụ học tập dưới sự với sự theo dõi, giám sát, hỗ trợ, đánh giá của giáo viên.

- Chỉ đạo các tổ/nhóm chuyên môn rà soát, lựa chọn các bài giảng trên kênh youtuber, internet đảm bảo về chất lượng chuyên phổ biến đến các đối tượng học sinh; xây dựng kế hoạch tổ chức, hướng dẫn học sinh tham gia các bài học trên truyền hình phù hợp với kế hoạch giáo dục nhà trường; tăng cường kết hợp học qua truyền hình với việc dạy học trực tiếp tại trường.

2. Thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức dạy học, giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh

2.1. Đổi mới phương pháp dạy học

Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học và vận dụng kiến thức, kĩ năng của học sinh theo tinh thần Công văn số 1911/SGDĐT-GDTrH ngày 27/10/2017 của Sở GDĐT về việc ban hành tiêu chí đánh giá, xếp loại giờ dạy của giáo viên từ năm học 2017-2018; Công văn số 2183/SGDĐT-GDTrH ngày 12/12/2017 của Sở GDĐT về Hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường từ năm học 2017-2018.

2.2. Đổi mới hình thức tổ chức dạy học

- Đa dạng hóa các hình thức dạy học, chú ý các hoạt động trải nghiệm sáng tạo; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong tổ chức dạy học thông qua việc sử dụng các mô hình học kết hợp giữa lớp học truyền thống với các lớp học trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cũng như tăng cường sự công bằng trong việc tiếp cận các dịch vụ giáo dục chất lượng cao,... Ngoài việc tổ chức cho học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập ở trên lớp, cần coi trọng giao nhiệm vụ và hướng dẫn học sinh học tập ở nhà, ở ngoài nhà trường.

- Khuyến khích tổ chức, thu hút học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm sáng tạo góp phần phát triển năng lực học sinh trên cơ sở tự nguyện của nhà trường, cha mẹ học sinh và học sinh, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí và nội dung học tập của học sinh trung học, phát huy sự chủ động và sáng tạo của các địa phương, đơn vị; tăng cường tính giao lưu, hợp tác nhằm thúc đẩy học sinh hứng thú học tập, rèn luyện kĩ năng sống, bổ sung hiểu biết về các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và tinh hoa văn hóa thế giới. Triển khai thực hiện nghiêm túc Công văn số 1915/BGDĐT-GDTrH ngày 05 tháng 5 năm 2017 của Bộ GDĐT về việc tinh giảm các cuộc thi danh cho giáo viên và học sinh phổ thông; không giao chỉ tiêu, không lấy thành tích của các cuộc thi và hoạt động giao lưu nói trên làm tiêu chí để xét thi đua đối với các đơn vị có học sinh tham gia.

2.3. Xây dựng kế hoạch dạy học các bài học bảo đảm các yêu cầu về phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học, thiết bị dạy học và học liệu, phương án kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học. Tiến trình dạy học mỗi bài học được xây dựng thành các hoạt động học với mục tiêu, nội dung, cách thức thực hiện và sản phẩm cụ thể để giao cho học sinh thực hiện trong lớp học, ngoài lớp học, ở trường, ở nhà, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tại di sản văn hóa và cộng đồng. Tăng cường giao cho học sinh tự nghiên cứu sách giáo khoa và tài liệu tham khảo để tiếp nhận và vận dụng kiến thức; dành nhiều thời gian trên lớp để tổ chức cho học sinh báo cáo, thuyết trình, thảo luận, luyện tập, thực hành, bảo vệ kết quả tự học của mình.

2.4. Khuyến khích tổ chức, thu hút học sinh tham gia các hoạt động văn hóa-văn nghệ, Thể dục-Thể thao trên cơ sở tự nguyện của nhà trường, cha mẹ học sinh và học sinh, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và nội dung học tập của học sinh trung học; tăng cường giao lưu, hợp tác nhằm thúc đẩy học sinh hứng thú học tập, bổ sung hiểu biết về các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và tinh hoa văn hoá thế giới. Tiếp tục thực hiện tốt việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học một số môn học phù hợp.

- Lồng ghép nội dung dạy học di sản văn hóa vào các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông (nội khóa hoặc ngoại khóa); Dạy học trên lớp hoặc tổ chức các hoạt động ngoại khóa tại nhà trường; Dạy học tại nơi có di sản văn hóa; Tổ chức tham quan - trải nghiệm di sản văn hóa; Dạy học thông qua các phương tiện truyền thông, đa phương tiện;…

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức dạy học, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao có chủ đề liên quan đến di sản có tính chất điển hình và hướng dẫn học sinh tự tìm hiểu, khai thác các nội dung khác của di sản văn hóa thông qua tư liệu, hiện vật. Tổ chức chăm sóc di tích, các hoạt động giáo dục tại di tích

- Lựa chọn những phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá phù hợp nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh trong việc tìm hiểu, khai thác các giá trị của di sản văn hóa.

- Phổ biến, hướng dẫn sử dụng bộ tài liệu sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn.

- Các đơn vị thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với các đơn vị ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể hướng dẫn liên ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên địa bàn.

- Cử cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng cốt cán Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức về dạy học thí điểm các nội dung di sản văn hóa; tổ chức các lớp bồi dưỡng ở địa phương.

- Tổ chức dạy học nội dung di sản văn hóa. Ở từng cấp học chú ý triển khai và rút kinh nghiệm thông qua các bước thí điểm và triển khai đại trà, đồng thời chuẩn bị tích cực các điều kiện hỗ trợ thực hiện.

3. Đẩy mạnh triển khai giáo dục STEM trong giáo dục trung học

Các đơn vị triển khai theo hướng dẫn tại Công văn số 3089/BGDĐT-GDTrH ngày 14/8/2020 của Bộ GDĐT và Công văn số 1884/SGDĐT-GDTrH ngày 28/9/2020 của sở GDĐT.

4. Tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, kĩ thuật[2]

- Tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động nghiên cứu KHKT của đơn vị trong năm học 2019-2020; xây dựng Kế hoạch tổ chức các hoạt động nghiên cứu sáng tạo khoa học, các chủ đề hoạt động trải nghiệm, chủ đề nghiên cứu khoa học,… từ đó lựa chọn các chủ đề có tính khả thi phân công giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện nghiên cứu để hoàn thiện đề tài. Hoạt động này dành cho những học sinh có năng lực, sở thích và hứng thú với các hoạt động tìm tòi, khám phá khoa học, kỹ thuật giải quyết các vấn đề thực tiễn; thông qua quá trình tổ chức dạy học các bài học STEM và hoạt động trải nghiệm STEM phát hiện các học sinh có năng khiếu để bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, kĩ thuật.

- Hoạt động nghiên cứu khoa học, kĩ thuật được thực hiện dưới dạng một đề tài/dự án nghiên cứu bởi một cá nhân hoặc nhóm hai thành viên, dưới sự hướng dẫn của giáo viên hoặc nhà khoa học có chuyên môn phù hợp.

- Dựa trên tình hình thực tiễn, có thể định kỳ tổ chức cuộc thi khoa học, kỹ thuật tại đơn vị để đánh giá, biểu dương nỗ lực của giáo viên và học sinh trong việc tổ chức dạy và học, đồng thời lựa chọn các đề tài/dự án nghiên cứu gửi tham gia Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp trên.

5. Thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh

Thực hiện nghiêm việc đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT theo quy định của Bộ GDĐT tại Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 và Công văn số 1782/SGDĐT-GDTrHTX ngày 14/9/2020 về việc Hướng dẫn thực hiện Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT. Trong đó thủ trưởng các đơn vị triển khai cụ thể các nội dung sau:

5.1. Chỉ đạo các tổ/nhóm chuyên môn xây dựng ma trận chung cho toàn trường các bài kiểm tra thường xuyên, bài kiểm tra giữa kỳ và kiểm tra cuối kỳ. Nội dung kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục từng môn học, hoạt động giáo dục của nhà trường theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.

- Thực hiện đánh giá thường xuyên trực tiếp hoặc trực tuyến với nhiều hình thức: hỏi - đáp, viết; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, chủ đề, nghiên cứu khoa học kĩ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập,...

- Việc kiểm tra, đánh giá giữa kì và kiểm tra, đánh giá cuối kì được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.

+ Đối với bài kiểm tra, đánh giá bằng thông qua bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính: đề kiểm tra phải được xây dựng theo ma trận với 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dung và vận dụng cao; đặc tả câu hỏi tự luận, trắc nghiệm khách quan hoặc trắc nghiệm khách quan kết hợp với tự luận cần biên soạn theo mức độ cần đạt của chương trình môn học, hoạt động giáo dục Mức độ yêu cầu của các câu hỏi trong đề kiểm tra như sau: Nhận biết (Các câu hỏi yêu cầu học sinh nhắc lại hoặc mô tả đúng kiến thức, kĩ năng đã học theo các bài học hoặc chủ đề trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục); Thông hiểu (Các câu hỏi yêu cầu học sinh giải thích, so sánh, áp dụng trực tiếp kiến thức, kĩ năng đã học theo các bài học hoặc chủ đề trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục); Vận dụng (Các câu hỏi yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết vấn đề đặt ra trong các tình huống gắn với nội dung các bài học hoặc chủ đề trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục); Vận dụng cao (Các câu hỏi yêu cầu học sinh vận dụng tổng hợp kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết vấn đề đặt ra trong các tình huống mới, phù hợp với mức độ cần đạt của chương trình môn học, hoạt động giáo dục).

+ Đối với kiểm tra, đánh giá bằng bài thực hành, hoặc dự án học tập: yêu cầu cần đạt của bài thực hành hoặc dự án học tập phải được hướng dẫn cụ thể bằng bảng kiểm các mức độ đạt được phù hợp với 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao của các kiến thức, kĩ năng được sử dụng.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá; chuẩn bị tốt các điều kiện để từng bước triển khai các hoạt động kiểm tra, đánh giá, thi trực tuyến, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

+ Đối với các đơn vị đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị CNTT, chỉ đạo tổ/nhóm chuyên môn có đủ nhân lực xây dựng kế hoạch thí điểm sử dụng các phần mềm kiểm tra trực tuyến, tổ chức kiểm tra trên máy tính; từ đó đánh giá tính hiệu quả để triển khai đại trà trong toàn đơn vị.

+ Đối với các đơn vị chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất xây dựng kế hoạch tổ chức tại một số bộ môn đặc thù như tin học, Toán học,…

5.2. Về công tác kiểm tra, đánh giá nội dung giáo dục phát triển thể chất, chương trình môn học giáo dục thể chất

- Hàng năm, các cơ sở giáo dục bố trí kiểm tra, đánh giá xếp loại thể lực cho học sinh, sinh viên vào cuối năm học.

- Việc đánh giá, xếp loại thể lực học sinh, sinh viên phải phù hợp với lứa tuổi, giới tính của học sinh, sinh viên trong nhà trường ở các cấp học và trình độ đào tạo.

- Có kế hoạch kiểm tra, đánh giá, xếp loại thể lực học sinh, sinh viên cụ thể, bố trí thời gian tổ chức kiểm tra hợp lý, ghi và lưu hồ sơ kết quả việc đánh giá, xếp loại thể lực của mỗi học sinh, sinh viên, tổng hợp và báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp định kỳ hàng năm.

5.3. Chỉ đạo tổ/nhóm trưởng chuyên môn xây dựng ma trận đề các bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ đồng thời báo cáo về Sở GDĐT qua địa chỉ mail trunghocbrvt@gmail.com (đối với các trường THPT) và phòng GDĐT (đối với các trường THCS) trước khi đơn vị tổ chức kiểm tra 1 tuần.

- Đề kiểm tra giữa kỳ và đề kiểm tra cuối kỳ cùng với hướng dẫn chấm báo cáo về Sở GDĐT (qua phòng GDTrHTX tại địa chỉ mail trunghocbrvt@gmail.com bằng file scan có đóng dấu giáp lai của đơn vị) theo định kỳ cuối học kì I và cuối năm học hàng năm.

- Toàn bộ ma trận, đề kiểm tra và hướng dẫn chấm các bài kiểm tra thường xuyên, kiểm tra giữa kỳ và kiểm tra cuối kỳ được lưu lại hồ sơ tổ/nhóm chuyên môn và thư viện của đơn vị để học sinh có thể tham khảo hàng năm và chịu sự quản lý của lãnh đạo và tổ trưởng/nhóm trưởng chuyên môn.

5.4. Riêng bộ môn Tiếng Anh việc sử dụng định dạng đề thi đánh giá năng lực tiếng Anh dành cho học sinh phổ thông tại hướng dẫn của Công văn số 5333/BGDĐT-GDTrH ngày 29/9/2014 và Công văn số 3333/BGDĐT-GDTrH ngày 07/7/2016.

5.5. Lãnh đạo các đơn vị chỉ đạo tổ/nhóm chuyên môn tổ chức chấm bài kiểm tra và nhập điểm theo định kỳ. Việc nhập điểm phải hoàn thành trễ nhất 2 tuần sau khi kết thúc kiểm tra giữa kỳ, kiểm tra cuối kỳ.

6. Tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh dành cho cấp THPT

- Để chuẩn bị tốt cho công tác tham gia Hội thi GV dạy giỏi cấp tỉnh, các đơn vị cần hoàn thành sớm hội thi GV dạy giỏi cấp cơ sở. Việc tổ chức Hội thi tại đơn vị phải căn cứ vào Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT ngày 20/12/2019 của Bộ GDĐT và Công văn số 1811/HD-SGDĐT ngày 16/9/2020 của Sở GDĐT về Ban hành hướng dẫn thực hiện Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT ngày 20 tháng 12 năm 2019 của BGDĐT về Hội thi giáo viên dạy giỏi và giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi.

- Các trường THPT triển khai kế hoạch Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh trong năm học 2020-2021 đến toàn thể giáo viên; động viên và khuyến khích giáo viên tham gia trên tinh thần tự nguyện. Theo kế hoạch, Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh sẽ tổ chức trong thời gian đầu học kì II của năm học 2020-2021).

- Tuyên dương các giáo viên đạt kết quả tốt trong Hội thi và tạo lan tỏa tích cực đến công tác giảng dạy của nhà trường.

7. Nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp

Tiếp tục Triển khai Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 12/9/2019 của UBND tỉnh về việc thực hiện Đề án ”Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025” trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp:

- Nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp (GDHN) và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức GDHN trong trường phổ thông;

- Phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học; Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với GDHN trong giáo dục phổ thông; Huy động nguồn lực xã hội trong và ngoài nước tham gia GDHN, định hướng phân luồng học sinh phổ thông;

- Tăng cường quản lý đối với GDHN, định hướng phân luồng học sinh phổ thông;

- Tăng cường các hoạt động giáo dục khởi nghiệp, tao môi trường hỗ trợ khởi nghiệp trong trường phổ thông nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp của học sinh phổ thông;

- Phối hợp với các trường Đại học, cao đẳng; các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ của địa phương để tổ chức GDHN, tham quan thực tế qua đó tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp của học sinh THPT.

III. Về Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở

1. Thực hiện rà soát nhằm bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị trường học để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học; bổ sung, quan tâm đầu tư và tận dụng tối đa cơ sở vật chất nhà trường để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Đầu tư thiết bị dạy học, thí nghiệm thực hành gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở, triển khai Chương trình GDPT 2018 bắt đầu đối với lớp 6 từ năm học 2021-2022 và các năm học tiếp theo.

2. Tiếp tục đầu tư nguồn lực xây dựng trường chuẩn quốc gia gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; triển khai có hiệu quả việc đánh giá, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Tiếp tục triển khai, thực hiện Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ GDĐT quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận chuẩn quốc gia đối với trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học; Công văn 5932/BGDĐT-QLCL ngày 28/12/2010 của Bộ GDĐT về việc hướng dẫn tự đánh giá và đánh giá ngoài cơ sở giáo dục phổ thông.

3. Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở

3.1. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn; Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 của Chính phủ về phổ cập giáo dục, xoá mù chữ; Thông tư số 07/2016/TT-BGDĐT ngày 22/3/2016 của Bộ GDĐT quy định về điều kiện đảm bảo và nội dung, quy trình, thủ tục kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; Kế hoạch; Kế hoạch số 19/BCĐPCGD-XMC ngày 15/02/2017 của UBND tỉnh về việc Thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ giai đoạn 2016-2020 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Công văn số 280/SGDĐT-GDTrH ngày 22/2/2018 của Sở GDĐT về việc Triển khai công tác phổ cập giáo dục THCS giai đoạn 2018-2020; Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 20/5/2020 của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về việc Thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ năm 2020; Công văn số 1110/SGDĐT-GDMNTH ngày 17/6/2020 của Sở GDĐT về việc hướng dẫn triển khai thực hiệc công tác PCGD-XMC theo Kế hoạch số 71/KH-ngày 20/5/2020 của UBND tỉnh.

3.2. Tiếp tục kiện toàn cán bộ quản lý, giáo viên theo dõi phổ cập giáo dục; đánh giá và báo cáo về tình hình phổ cập giáo dục THCS, sử dụng tốt Hệ thống thông tin điện tử quản lý phổ cập giáo dục, xoá mù chữ và thường xuyên kiểm tra tính xác thực của các số liệu trên hệ thống.

 Tăng cường huy động các đối tượng diện phổ cập giáo dục THCS đi học; nắm chắc tình hình, nguyên nhân học sinh bỏ học và có giải pháp khắc phục; xây dựng kế hoạch cụ thể về thời gian đạt chuẩn và các mức độ đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS theo quy định.

IV. Tích cực chuẩn bị triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đối với giáo dục trung học

1. Tiếp tục thực hiện Công văn số 344/BGDĐT-GDTrH ngày 24/01/2019 về việc hướng dẫn triển khai Chương trình GDPT 2018, trong đó chú ý:

- Chỉ đạo các tổ/nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch lộ trình tự bồi dưỡng thực hiện chương trình GDPT 2018 thường xuyên, liên tục qua mạng, tại trường. Đưa chương trình bồi dưỡng vào các buổi sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn.

- Lựa chọn đội ngũ giáo viên có năng lực tham gia lựa chọn sách giáo khoa mới thực hiện Chương trình GDPT.

- Đảm bảo hệ thống mạng internet, máy tính hỗ trợ đội ngũ giáo viên khi tham gia bồi dưỡng thường xuyên Chương trình GDPT 2018 qua hệ thống quản lý học tập (LMS); có đánh giá báo cáo định kỳ sau các đợt tập huấn, bồi dưỡng của đội ngũ giáo viên, CBQL đơn vị về Sở GDĐT.

2. Việc thực hiện nội dung giáo dục địa phương

- Các cơ sở giáo dục trung học sử dụng các bộ Tài liệu dạy - học địa phương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (sử dụng trong các trường THCS, THPT) các môn Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản để giảng dạy.

- Cuối mỗi năm học, các Phòng GDĐT chỉ đạo, hướng dẫn  các trường THCS trực thuộc tổ chức đánh giá, sơ kết, rút kinh nghiệm việc dạy học nội dung giáo dục địa phương, đề xuất điều chỉnh, bổ sung, cập nhật tài liệu báo cáo các cơ quan quản lý cấp trên theo quy định. Các Trường THPT tổ chức đánh giá, sơ kết, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện nội dung giáo dục địa phương, đề xuất điều chỉnh, bổ sung, cập nhật tài liệu báo cáo Sở  GDĐT.

V. Đổi mới công tác quản lý giáo dục trung học

1. Thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo tổ/nhóm trưởng chuyên môn xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị. Lãnh đạo các đơn vị tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên được linh hoạt áp dụng các hình thức tổ chức giáo dục, các phương pháp dạy học tiên tiến mà không bị áp đặt từ cấp trên.

Kế hoạch giáo dục của các nhân giáo viên có xác nhận của tổ chuyên môn, kế hoạch giáo dục chung của tổ chuyên môn có ký phê duyệt của lãnh đạo đơn vị.

Kế hoạch giáo dục của mỗi trường được xây dựng từ tổ chuyên môn, báo cáo Phòng GDĐT (đối với trường THCS) và Sở GDĐT (đối với trường THPT) để phê duyệt. Các hoạt động chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra của cấp trên phải dựa trên kế hoạch giáo dục của nhà trường.

2. Tập trung đổi mới sinh hoạt chuyên môn của tổ/nhóm chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học. Tăng cường các hoạt động dự giờ, rút kinh nghiệm để hoàn thiện từng bước cấu trúc nội dung, kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục; phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh tiệm cận với Chương trình GDPT 2018.

Tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường, nội dung sinh hoạt chuyên môn tập trung vào đổi mới phương pháp dạy học, trao đổi kinh nghiệm trong việc tổ chức hoạt động STEM, ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, giảng dạy và tổ chức kiểm tra trực tuyến qua phần mềm, qua hình thức online,…

3. Tiếp tục thực hiện tinh giản hồ sơ, sổ sách trong nhà trường theo chỉ đạo tại Thông tư 32/2020/TT-GDĐT ngày 15/9/2020; Công văn số 425/SGDĐT-GDTrHTX ngày 5/3/2019 về việc hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 138/CT-BGDĐT; quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo theo hướng dẫn tại Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 07/7/2014 của Bộ GDĐT.

Nâng cao chất lượng sử dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn của đơn vị; Tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong tổ chức dạy học; tăng cường sử dụng các mô hình học kết hợp giữa lớp học truyền thống với các lớp học trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cũng như tăng cường sự công bằng trong việc tiếp cận các dịch vụ giáo dục chất lượng cao,...

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong tổ chức và quản lí các hoạt động chuyên môn, quản lý kết quả học tập của học sinh qua hệ thống vnEdu.

Tăng cường công tác quản lý và sử dụng hiệu quả đối với các đơn vị đã được trang bị màn hình cảm ứng.

C. Công tác thi đua, khen thưởng

Các phòng GDĐT, các trường THPT thực hiện chủ đề thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học" bằng các hoạt động thiết thực; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu công tác một cách thực chất; kiên quyết khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục; chấp hành chế độ báo cáo, thực hiện đầy đủ và đúng thời hạn. Sở GDĐT khuyến khích các đơn vị thực hiện tốt nền nếp, kỷ cương, có nhiều mô hình đổi mới; vượt lên khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục trung học.

D. Tổ chức thực hiện

Trên cơ sở của những nội dung hướng dẫn trên đây, căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, các đơn vị xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện. Trong quá trình triển khai, nếu có khó khan vướng mắc, đề nghị các đơn vị kịp thời phản ánh về Sở GDĐT (qua phòng Giáo dục Trung học–Thường xuyên) để được hướng dẫn giải quyết./

File đính kèm: Downlaod

[1] Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018

[2] Công văn số 1939/SGDĐT-GDTrHTX ngày 30/9/2020

729 người đã bình chọn
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin liên quan
1 2 3 4 5  ...